Tin tức

Các dự án xây dựng được điều chỉnh dự toán

Trước tình trạng một loạt nhà thầu đình chỉ thi công các công trình xây dựng do giá thép tăng cao, Bộ Xây dựng cho biết, tuần này bản hướng dẫn cụ thể việc điều chỉnh dự toán và bù chênh lệch giá vật liệu sẽ được tính toán và ban hành.


Theo Tổng thư ký Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Vũ Gia Quỳnh, chi phí cho sắt thép chiếm khoảng 6-7% tổng dự toán các công trình, do đó giá thép tăng gần gấp đôi trong khi giá chào thầu đã ấn định thì chắc chắn nhà thầu sẽ lỗ nặng”.

Trao đổi với VnExpress, ông Vũ Anh Phong, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng khu đô thị mới Nam Trung Yên, cho biết giá thép tăng vọt khi nhà thầu đang thi công móng cọc của 9 toà nhà cao tầng. Chi phí sắt thép trong các móng cọc chiếm tới 50% giá trị, do vậy các đơn vị thi công đang giảm tiến độ thực hiện các hạng mục. Theo tính toán sơ bộ, tổng giá trị đầu tư của dự án này tăng 15 %, Ban quản lý đã đề nghị thành phố phê duyệt lại vốn đầu tư. Nếu giá thép giữ nguyên và không có biện pháp hữu hiệu thì công trình phải tạm ngưng vào tháng 4.

Còn ông Nguyễn Văn Kiên, Tổng giám đốc Tổng Công ty đầu tư và phát triển nhà Hà Nội đang đứng ngồi không yên bởi theo thông báo trên, Bộ Xây dựng sẽ không đề cập đến việc điều chỉnh dự toán các công trình xây dựng mà doanh nghiệp tự huy động vốn. "Những căn hộ thuộc dự án công ty đang triển khai hầu như đã có chủ, nếu tình hình tiếp diễn như thế này chúng tôi cầm chắc lỗ", ông Kiên nói.

Một chuyên gia của Viện Kinh tế xây dựng cho rằng, việc điều chỉnh dự toán chỉ là giải pháp tình thế bởi các nhà thầu và chủ đầu tư không thể suốt ngày tính toán, thương lượng giá vật liệu. Ở những công trình lớn, Ngân sách Nhà nước cũng không thể bù chênh lệch mãi nếu giá sắt thép liên tục leo thang. "Vấn đề mấu chốt là phải có những tác động để hạ giá thép xây dựng", vị chuyên gia này nói.

Trong khi đó, giá thép trên thị trường hiện chưa có dấu hiệu nguội. Thép cây của Vinausteel bán ra 9,15 triệu đồng/tấn, thép Thái Nguyên 8,3 triệu đồng/tấn.

Ông Phạm Chí Cường, phó chủ tịch Hiệp hội Thép VN, cho biết hiện nay thép tiêu thụ rất chậm do các chủ đầu tư chần chừ thi công, nghe ngóng chờ giá thép hạ thêm mới mua. Để đối phó với tình hình này, các nhà máy thép Natsteelvina, Vinausteel sẽ nghỉ sản xuất cho đến hết tháng ba. Một số nhà máy khác như VIS (thép Việt - Ý), VPS (thép Việt - Hàn), Pomina (thép Việt)... đã giảm lượng sản xuất từ 50-60% so với trước.

Nguồn: VnExpress